TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỞI

Thứ tư - 20/03/2024 05:50
      Sởi là bệnh truyền nhiễm do vi rút sởi gây nên, bệnh có tính lây truyền cao, có khả năng gây dịch lưu hành rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. Bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng người bệnh. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có khả năng mắc bệnh.

 
z5267752694138 5548963468641e24b050e0f6ece3c229
 
      Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Theo dữ liệu của WHO, tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023. WHO nhận định, tại Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đủ liều, đúng lịch trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi. Bộ Y tế cũng cho biết, theo dữ liệu của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay, nước ta ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố, không ghi nhận ổ dịch tập trung. Để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1276/BYT-DP ngày 19/3/2024, đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh. Triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vắc xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vắc xin sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi. Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng. Để chủ động phòng bệnh sởi, Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt những biện pháp sau: - Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi. - Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện. - Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ./.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây