Đầu năm là thời điểm có nhiều lễ hội, sự kiện diễn ra trong phạm vi cả nước, đặc biệt là Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân. Đây là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường lớn nhất trong năm. Các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ lớn thường là các thực phẩm tươi sống, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến sẵn ăn ngay. Nếu công tác vệ sinh an toàn thực phẩm không được kiểm soát tốt sẽ có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người.
Để bảo sức khoẻ của bản thân và gia đình trước những nguy cơ từ thực phẩm, mỗi người dân hãy thực hiện tốt những biện pháp sau: - Mua vừa đủ, mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng: chúng ta cần lựa chọn sản phẩm tươi sạch, có nguồn gốc xuất xứ, thành phần rõ ràng. Hiện nay, các chợ, siêu thị thường đã mở cửa sớm vào dịp tết, do đó việc mua sắm, tích trữ thực phẩm là không cần thiết, gây lãng phí mà có thể không an toàn. - Cẩn thận khi mua thực phẩm chế biến sẵn từ các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ: các thực phẩm này chủ yếu được sản xuất theo kiểu thủ công tại hộ gia đình nhỏ lẻ với điều kiện không gian sản xuất hạn hẹp, trang thiết bị, dụng cụ không đạt tiêu chuẩn có thể gây mất an toàn thực phẩm, đặc biệt là khi đơn đặt hàng vượt quá khả năng sản xuất chế biến. Trường hợp thực sự muốn mua những thực phẩm này, cần phải hỏi rõ người bán thời điểm chế biến, phương pháp bảo quản ở nhiệt độ phù hợp và cách sử dụng. - Thực hành vệ sinh, phân loại, bảo quản và chế biến thực phẩm tốt chúng ta cần phải: Rửa sạch tay với nước và xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm. Rửa sạch rau, củ, quả dưới vòi nước chảy. Bảo quản các loại thực phẩm tươi sống cần phải tách biệt với các loại thực phẩm đã được nấu chín. Sử dụng dao và thớt riêng. Nấu chín kỹ các loại thực phẩm. Hạn chế ăn trực tiếp các thực phẩm tươi sống hoặc lên men nếu các thực phẩm này không được bảo quản đúng, các loại thực phẩm có dấu hiệu nhiễm nấm mốc. Đối với thức ăn thừa, cần đậy kín rồi bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đông, trước khi dùng lại cần hâm nóng đủ thời gian. Đối với các thực phẩm đông lạnh, rã đông trước khi nấu bằng một trong các cách sau: rã đông trong ngăn mát tủ lạnh qua đêm, rã đông dưới vòi nước chảy, hoặc bằng lò vi sóng. Thực phẩm đã rã đông thì không cấp đông lại. Hãy thực hiện tốt các quy tắc về an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khoẻ của bạn và những người thân yêu./.