Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 11/12/2024 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng, chống bệnh Sởi trên địa bàn tỉnh Bình Dương; thành phố Thủ Dầu Một đã tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống bệnh Sởi cho đối tượng trẻ từ 01 đến 10 tuổi.
Tính đến hết ngày 30/11/2024, theo phần mềm bệnh truyền nhiễm ghi nhận thành phố Thủ Dầu Một có 288 ca mắc bệnh Sởi tại các phường: Phú Tân có 43 ca, Hoà Phú có 37 ca, Hiệp Thành có 26 ca, Phú Mỹ có 29 ca, Phú Hòa 22 ca, Phú Thọ có 21 ca và các ca bệnh rải rác tại các phường còn lại, các trường hợp này đa số đều chưa tiêm và tiêm ngừa chưa đủ vắc xin Sởi.
Theo thống kê, tỷ lệ tiêm chủng Sởi trong 11 tháng đầu năm 2024 cho trẻ thuộc nhóm 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi trên địa bàn thành phố đạt 94,7% và kết quả chiến dịch tiêm vắc xin Sởi Rubella cho đối tượng trẻ từ 01 đến 10 tuổi từ ngày 30/10/2024 đến ngày 10/11/2024 là 11.473/11.892 trẻ, đạt tỷ lệ 97,3%.
Để chủ động phòng, chống bệnh Sởi, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc, đảm bảo thực hiện mục tiêu phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thành phố và Uỷ ban nhân dân phường tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống bệnh Sởi, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và chủ động đánh giá nguy cơ dịch bệnh, tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế; sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, vật tư, thuốc điều trị và kế hoạch ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra; thường xuyên báo cáo tình hình bệnh nhân mắc bệnh Sởi nhằm hạn chế lây lan trong cộng đồng, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường các trường học trực thuộc và các quy định về phòng, chống dịch bệnh trong trường học…
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, bệnh có tính lây truyền cao, có khả năng gây dịch lưu hành rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, bệnh sởi lưu hành trong cả nước và thường gặp ở trẻ em, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông - xuân. Bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng người bệnh. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có khả năng mắc bệnh.
Để chủ động phòng bệnh sởi, Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt những biện pháp sau:
Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.
Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện./.
Hình ảnh tiêm vắc xin phòng sở cho trẻ