Chiều ngày 18/9, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội khoá XV làm trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với UBND thành phố Thủ Dầu Một về lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Dự và tiếp đoàn có bà Nguyễn Thu Cúc - Phó Bí thư - Chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một.
Hình ảnh tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND thành phố Thủ Dầu Một đã thông qua báo cáo Khảo sát tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 07 khu công nghiệp có khoảng 6.950 cơ sở do Công an thành phố Thủ Dầu Một và Ủy ban nhân dân phường quản lý theo Nghị định số 50/2024/NĐ- CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ. Đồng thời, thành phố đã tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với 643 lượt cơ sở kiến nghị 119 nội dung tồn tại về an toàn PCCC, đề nghị người đứng đầu cơ sở khắc phục các tồn tại, vi phạm về an toàn PCCC tập trung vào các nội dung vi phạm an toàn về sử dụng thiết bị điện, không duy trì phương tiện chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn, không kiểm tra bảo dưỡng phương tiện PCCC, sắp xếp hàng hoá cản trở lối thoát nạn... Chỉ đạo Công an thành phố Thủ Dầu Một, UBND 14 phường xây dựng 293 phương án chữa cháy và 147 phương án cứu nạn cứu hộ của cơ sở; Xây dựng 20 phương án chữa cháy của cơ quan công an và 08 phương án cứu nạn, cứu hộ của cơ quan công an.
Song song đó, thành phố có một số ý kiến trong nội dung về dự thảo Luật PCCC và Cứu nạn cứu hộ như Điều chỉnh khoản 5 Điều 18: Nhà nước khuyến khích hộ gia đình lắp đặt thiết bị có chức năng báo chày và kết nối với hệ thống truyền tín báo cháy. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH có trách nhiệm hướng dẫn việc kết nối thiết bị có chức năng báo cháy với hệ thống truyền tin báo cháy khi có yêu cầu; Bổ sung quy định tại khoản 2 điều 22 trong lắp đặt, sử dụng điện cho sản xuất, cụ thể như: Khi thiết kế, thi công, cải tạo hệ thống điện phải được đơn vị có chuyên môn về ngành điện thực hiện, định kỳ hằng năm phải tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn hệ thống điện do đơn vị có chuyên môn về ngành điện thực hiện; Đề xuất không quy định thành lập đội dân phòng, đồng thời quy định cụ thể nhiệm vụ PCCC&CNCH cho Tổ đảm bảo an ninh trật tự cơ sở trong quy định dự thảo luật PCCC….
Ngoài ra, Đoàn đã để nghị địa phương trao đổi làm rõ quan điểm về các vấn đề như ban hành các quy định về PCCC; công tác chỉ đạo về triển khai kiểm tra PCCC, phản ánh của doanh nghiệp về công tác PCCC; công tác tuyên truyền cho học sinh, người dân về PCCC; vướng mắc, khó khăn về bố trí ngân sách chi cho hoạt động PCCC; hướng khắc phục và giải quyết các cơ sở không đảm bảo về PCCC; nguồn nước chữa cháy tại các hẻm nhỏ; công tác PCCC tại các cơ sở mầm non; lối thoát nại tại các khu dân cư của người dân; những khó khăn trong quá trình thẩm định an toàn PCCC tại các cơ sở; dự thảo quy định lực lượng tham gia PCCC ; khó khăn trong việc xã hội hoá trong PCCC; quy định cụ thể ngân sách đầu tư PCCC; giáo dục về nhận thức cho người dân về PCCC; chính sách đối với các tổ chức, cá nhân tình nguyện trong công tác PCCC;…
Hình ảnh tại buổi làm việc